UBND xã Bình Nghihttp://binhnghi.tayson.binhdinh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 27/11/2024 09:14730
Võ đường Phan Thọ do võ sư Phan Thọ sáng lập năm 1952 tại làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Võ đường Phan Thọ - xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Võ đường Phan Thọ là nơi thừa kế di sản đồ sộ của môn phái quyền An Vinh, giữ lửa cho võ thuật làng võ An Vinh trên 200 năm tuổi.
Võ đường giảng dạy bài bản về Quyền Thuật và Binh Khí, trong đó có hàng chục bài Thảo pháp cùng với 15 bộ quyền tay, hàng chục bài quyền và các bài võ gắn với 18 môn binh khí. Mỗi môn binh khí muốn đánh cho chuẩn, phải học ít nhất 3 thảo; 18 môn là 54 thảo. Bên cạnh đó, phải tập thêm 9 bài song đấu và bài đấu luyện kết hợp các môn binh khí lại với nhau trong hệ thống Võ trận Tây Sơn.
Đây là nơi lưu giữ các tư liệu cổ, trong đó có cuốn sách võ là cổ thư truyền lại có chữ kỹ của ông Đào Thống. Các nhà nghiên cứu và dịch thuật cho rằng tập tư liệu này được chép lại có từ đời vua Thành Thái.
Võ đường Phan Thọ đã đào tạo ra hàng ngàn môn sinh trong đó có trên 100 võ sư và huấn luyện viên võ dân tộc và hầu hết đã thành danh, góp phần kế tục sự nghiệp võ học như: Đỗ Hượt, Lê Công Hoàng, Đặng Vĩnh May, Phan Thanh Sơn, Phan Hữu Đức, Lê Xuân Nam, Phan Hải…
Cố Đại Võ sư Phan Thọ - Chưởng môn đời thứ nhất của Võ đường Phan Thọ
Một số môn sinh của Võ đường Phan Thọ
Trong đó, Đỗ Hượt là nhân vật đã trở thành huyền thoại những năm sáu mươi không chỉ với đòn chẻ hổ khẩu đánh nốc-ao võ sĩ đệ ngũ đẳng huyền đai người Nam Hàn tên Lee trên sàn đấu Tây Sơn, mà còn nổi tiếng vì trận giáp chiến có một không hai tại cầu Đập Bộng – một mình ông đương đầu với một trung đội lính Nam Hàn trang bị lưỡi lê sáng quắc, giữa hai cuộn thép gai dã chiến. Bị chúng bao vây và tới tấp đâm lê vào người, Đỗ Hượt phải dùng hết sở trường về quyền để vừa đánh vừa tránh đòn. Ông bị lưỡi lê xóc vào môi, vào sườn, phải chọn cách lăn mình trên cuộn kẽm gai rồi chui xuống cống Đập Bộng để thoát thân.
Võ đường Phan Thọ hiện có nhiều nhánh ở nhiều địa phương do các con và học trò của Võ sư Phan Thọ phát triển như Phan Hữu Đức, Lê Công Hoàng, Phan Minh Hải (Tây Sơn),... Phan Thanh Sơn, Phan Thanh Khoa (Bình Dương), Hạo Vũ An Trần (Đà Lạt)...
Sau khi Võ sư Phan Thọ qua đời, Võ đường Phan Thọ do Võ sư Phan Hữu Đức (người con trai thứ sáu của Võ sư Phan Thọ) làm Chưởng môn.
Các đời chưởng môn của Võ đường Phan Thọ:
1. Chưởng môn đời thứ nhất: Cố đại võ sư Phan Thọ (từ năm 1952 đến 2014)
2. Chưởng môn đời thứ hai: Võ sư Phan Đức (từ năm 2014 đến 2018)
3. Chưởng môn đời thứ ba: Phan Minh Hải (từ ngày 23/02/2018 đến nay)
Ngày 23/02/2018, tức ngày mùng 8 tháng Giêng, là ngày Giỗ tổ của Võ đường Phan Thọ theo truyền thống hằng năm. Nhân đây, với sự họp mặt và thống nhất của các Lão võ sư, Võ sư của Môn phái như: Lão võ sư Đỗ Hược, Lão võ sư Lê Công Hoàng, Võ sư Đặng Vĩnh May, Võ sư Nguyễn Thanh Bình, Võ sư Lê Văn Pháp, Võ sư Phan Thanh Khoa,...
Đã thống nhất Huấn luyện viên Phan Minh Hải (cháu ngoại của Cố võ sư Phan Thọ) chính thức là Chưởng môn nhân đời thứ ba của Võ đường.
Phan Minh Hải - Chưởng môn nhân đời thứ ba của Võ đường Phan Thọ