Hiện nay, thời tiết trên địa bàn xã Bình Nghi diễn biến bất thường rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh và phát triển gây hại trên các giống lúa như: ĐV 108, TBR1, Q5, Đài Thơm 8, VNR20, Khang dân đột biến…Dự báo bệnh tiếp tục gây hại mạnh nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy lá diện rộng trên những ruộng xanh tốt, bón thừa đạm. Bên cạnh đó Chuột tiếp tục gây hại mạnh trên lúa đẻ nhánh rộ đến đứng cái - làm đòng, nhất là những ruộng ven làng, gần gò cao, bụi rậm; Sâu cuốn lá nhỏ: Chuyển tuổi gây hại cục bộ trên một số giống lúa có bản lá to và xanh tốt; Sâu đục thân 2 chấm: Sâu non nở và chuyển tuổi gây dãnh héo trên lúa trà muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ và gây bông bạc trên lúa sạ cưỡng giai đoạn trỗ - ngậm sữa; Bệnh vàng lá sinh lý: Tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa đẻ nhánh rộ và nặng cục bộ trên lúa đứng cái - làm đòng, ruộng chân đất cát pha. Ngoài ra còn có các đối tượng sâu bệnh khác như: Bọ trĩ, sâu năn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá… phát sinh gây hại rải rác và cục bộ.
Để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, UBND xã Bình Nghi đề nghị bà con nhân dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, khi phát hiện bệnh cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với bệnh đạo ôn lá, cổ lá và đạo ôn cổ bông
* Biện pháp phòng: Bón phân cân đối NPK ở các thời điểm sinh trưởng và phát triển cây lúa. Khi bệnh xuất hiện phải ngừng ngay việc bón phân, phun phân bón qua lá và sử dụng một trong các loại thuốc phòng bệnh đạo ôn như: Bump 650WP hoặc Beam 75WP liều 25gam thuốc pha 24 lít nước phun/sào; Katana 20SC liều 24 ml thuốc pha 24 lít nước phun/sào, … sau khi phun thuốc bệnh ngừng phát triển thì mới được tiến hành bón phân và phun phân bón lá để lúa phục hồi.
* Biện pháp trừ: Dùng một trong các loại thuốc trừ bệnh sau: Fujione 40 EC liều lượng 100 ml thuốc pha 24 lít nước phun/sào; Fuji-one 40WP, liều 50gam thuốc pha 24 lít nước phun/sào; Ninja 35SE liều 50ml thuốc pha 24 lít nước phun/sào.
Chú ý: Để phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông kết quả cao: phun lần 1 khi lúa trổ lác đác và phun lại lần 2 sau khi lúa trổ đều.
Đối với chuột: Tiếp tục phát động phong trào ra quân diệt chuột và khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp. (i) Bắt chuột vào ban đêm bằng cách dùng đèn soi và dùng nơm chụp bắt ở những ruộng bị chuột cắn phá nhiều.(ii) Dùng các loại Bẫy sập, bẫy dập, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt... (iii) Dùng một trong các loại thuốc sau: Racumin, Rat - K, Musal 0,005, Cat… trộn với lúa mầm hoặc cám thực phẩm, tôm, cua, cá... thành bã; đặt bã ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, trên bờ mương, bờ ruộng...
Sâu cuốn lá nhỏ: Biện pháp phòng: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại; mật độ sạ hợp lý; sử dụng phân bón hợp lý, đặc biệt không bón thừa phân đạm. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu kịp thời. Phun thuốc phòng trừ khi sâu còn tuổi 1 - 2 đạt hiệu quả cao.
- Biện pháp trừ: Sử dụng các một các loại thuốc: Takumi 20WG, Ammate 150SC, Peran 50EC, Proclaim 5WG, Vitako 40WG, … Liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
Sâu đục thân 2 chấm: Đối với lúa đẻ nhánh: Rải một trong các loại thuốc dạng hạt như: Patox 4GR, Vifu super 5GR, Vibam 5GR, … liều lượng 1kg - 1,5kg thuốc/sào. Chú ý giữ mực nước ruộng từ 5 - 7 cm.
Đối với lúa giai đoạn đứng cái - đòng trỗ: Phun một trong các loại thuốc đặc hiệu sau: Virtako 400WG, liều lượng 4,5 gam thuốc pha bình 16 lít nước phun 1 sào (500 m2); Voliam Targo 063SC, liều lượng 20 ml thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào; Padan 95SP, liều lượng 30 gam thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào.
Lưu ý: Những nơi có mật độ bướm, trứng cao cần phun lại lần 2 sau lần 1 từ 4 - 5 ngày.
Đối với bệnh vàng lá, khô đầu lá sinh lý: Lúa đẻ nhánh: Bón bổ sung 2 kg DAP + 2 kali cho 1 sào.
+ Lúa đứng cái đến làm đòng: Bón bổ sung 2 - 3 kg NPK(20-20-15) trên sào. Trường hợp lúa bị vàng lá nặng, phun bổ sung phân bón qua lá hoặc kích thích sinh trưởng như: Kalihumat, Sinh thành, KNO3, HK 7 - 5 - 44, ... (theo hướng dẫn trên bao bì và nên khoái cho thật tan mới phun tránh trường hợp cháy lá), nếu lúa bị vàng và phục hồi chậm nên phun lại lần 2, cách lần 1 khoảng 5 - 6 ngày. Giữ mực nước ruộng 3 - 5 cm.
Ngoài ra, đối với lúa trỗ trong điều kiện gặp không khí lạnh, thiếu nắng nên sử dụng thuốc Tilt super 300 EC hoặc Nevo 330 EC phun 2 lần vào thới điểm lúa trỗ lác đác và khi lúa trỗ đều để hạn chế bệnh lem lép hạt.
Nguồn tin: Hồng Thắm
Ý kiến bạn đọc