Khác biệt về kỹ thuật xây dựng
Trong Thống kê - khảo tả các di tích Chăm ở Trung bộ Việt Nam của Henri Parmentier (Pháp) không có di tích Rừng Cấm, Bảo tàng tổng hợp Bình Định là đơn vị đầu tiên khảo sát và khai quật di tích này. “Trên bề mặt khu di tích này là gạch vỡ, vật liệu kiến trúc của tháp do dân khai thác về xây dựng trong nhiều năm để lại. Tục danh Rừng Cấm có lẽ ngày xưa có khu rừng thiêng của làng nên có tên vậy”, tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, người chủ trì cuộc khai quật, giải thích.
Năm 2014, Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật khu phế tích Rừng Cấm, kết quả đã thu thập được 679 hiện vật, bao gồm các loại đất nung, đá trang trí, tai trang trí đất nung và đá, ngói âm dương, gốm men Việt Nam, gốm Chăm, gốm Trung Quốc và một chiếc đĩa đồng Chăm.
Cuộc khai quật còn làm phát lộ nền móng kiến trúc khu phế tích tháp Rừng Cấm, gồm 1 tháp chính, tháp cửa và tháp cổng. Trong 3 tháp, tháp chính thờ thần Shiva. Trong quần thể kiến trúc này tìm thấy khá nhiều ngói lợp có nhiều kích cỡ khác nhau, có những loại ngói có niên đại thế kỷ thứ 8-9, đa số ngói còn lại là ngói móc hình mũi lá niên đại từ thế kỷ 13-15. Điều này cho thấy rằng, trước khi xây dựng tháp, người Chăm đã xây dựng khu tâm linh bằng nhà mái lợp, sau này mới xây khu kiến trúc gạch.
“Các tháp Chăm khác ở Bình Định thì gạch xây theo hàng lối nhưng tháp ở Rừng Cấm thì gạch xây khá lộn xộn. Cách xử lý móng tháp Rừng Cấm cũng khác với các tháp khác. Các khu tháp Chăm thường thì người ta xử lý mặt bằng rồi cho một lớp cuội sông, pha lẫn cát trộn với keo thực vật đầm dện kỹ. Từ mặt nền này, đá ong được ghép sít từ dưới lên. Nhung khu phế tích Rừng Cấm, lớp dưới cùng cũng cuội sông, cát và từ đó cho xây lên, không có móng đá ong như tháp Dương Long, Cánh Tiên, Bánh Ít mà chúng tôi đã khai quật”, tiến sĩ Đinh Bá Hòa cho biết.
|
Phù điêu Durga Mahishasuramardini được phát hiện tại phế tích tháp Rừng Cấm vào năm 1989 |
Phù điêu nữ thần diệt quỷ tuyệt đẹp
Trong số các hiện vật tìm được tại khu phế tích tháp Rừng Cấm, thì phù điêu Durga Mahishasuramardini (nữ thần diệt quỷ), bệ thờ, mảnh phù điêu mặt Kala... là những hiện vật tiêu biểu. Phù điêu Durga Mahishasuramardini, được thu giữ từ những đối tượng đào trộm cổ vật năm 1989, có kích thước cao 1,2 m, rộng đế 1,1 m, dày 9-13 cm, còn khá nguyên vẹn. Dáng hình lá đề, mặt trước tạc tượng thần trong tư thế múa, ngực trần, hai chân chùng xuống trong tư thế nhón gót, tay trái chống vào hông, tay phải cầm quạt, khuôn mặt nghiêm nghị. Sau lưng là 8 cánh tay cầm nắm các linh vật bao gồm quả bầu, kiếm, móc, cung, chùy...
Theo thần thoại Ấn Độ, nữ thần Durga đã giết quỷ Mahisha. Durga được sinh ra bởi sự kết hợp sức mạnh, năng lượng của nhiều vị thần khác nên đã có được tất cả các yếu tố tinh tế tuyệt vời của mỗi vị thần. Shiva cho đinh ba, Varuna cho tù và ốc, Pavana cho cung tên, Indra cho lưỡi tầm sét, Yama cho gậy, Barahma cho bình nước, các vị thần khác cho vật biểu trưng của họ. Được đặt các vũ khí ấy vào tay, nữ thần cưỡi con sư tử và đã trừ được Mahisha, một con quỷ biến hóa giả dạng một con trâu để làm hại trần thế...
Theo TS. Đinh Bá Hòa, phù điêu Durga Mahishasuramardini được dùng để trang trí trong khám thờ trên vòm cửa chính tháp.
Trong số 52 phế tích Chăm còn lại trên đất Bình Định, huyện Tây Sơn có 12 phế tích gồm 2 tháp Thủ Thiện, Dương Long còn nguyên và 10 di tích còn lại đều thuộc dạng phế tích mới được phát hiện gần đây (bao gồm phế tích Rừng Cấm). “Phế tích Rừng Cấm chưa được xếp hạng trong hạng mục di tích lịch sử văn hóa nhưng cần phải được bảo vệ, cấm khai thác bất cứ hình thức nào. Chúng tôi đề nghị các cấp chính quyền tuyên truyền vận động nhân dân và có biện pháp bảo vệ phế tích này để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy khi có điều kiện”, TS. Đinh Bá Hòa, nói.
Tai lửa trang trí bằng đất nung |
Mặt tu sĩ |
Mảnh phù điêu mặt Kala |
Mảnh trang trí bằng đá |
Các loại ngói |
Nguồn tin: Báo Bình Định
Ý kiến bạn đọc